Khai thuế chi nhánh khác tỉnh.
Có chi nhánh khác tỉnh, khai thuế và sử dụng hóa đơn thế nào?
Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế:
Tại Điều 1 quy định:
"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế áp dụng đối với việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước, trừ nội dung quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, áp dụng hoá đơn, chứng từ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hoá đơn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan".
Tại Điểm k Khoản 1 Điều 11 quy định:
“Người nộp thuế thực hiện các quy định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 45 Luật Quản lý thuế và các quy định sau đây:
1. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính đối với các trường hợp sau đây:
… k) Khai lệ phí môn bài tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh”.
Tại Khoản 2, Điều 11 quy định:
- Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc ở cùng tỉnh với trụ sở chính thì nộp tờ khai thuế môn bài tại cơ quan thuế trụ sở chính.
- Nếu chi nhánh ở khác tỉnh thì nộp tờ khai và tiền thuế môn bài tại chi cục thuế quản lý chi nhánh đó.
“2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều này) tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính. Đồng thời, người nộp thuế phải nộp bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính, trừ một số trường hợp sau đây không phải nộp bảng phân bổ số thuế phải nộp:
a) Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh vận tải của người nộp thuế mà các tuyến đường vận tải đi qua địa bàn các tỉnh khác nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính.
b) Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm.
c) Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh xây dựng (bao gồm cả xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn khí) tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính nhưng không thành lập đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại địa bàn cấp tỉnh đó mà giá trị công trình xây dựng bao gồm cả thuế GTGT dưới 1 tỷ đồng.
d) Thuế thu nhập doanh nghiệp của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Người nộp thuế phải xác định riêng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho hoạt động được hưởng ưu đãi với cơ quan thuế quản lý nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh và không được tính phân bổ cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác của người nộp thuế.
đ) Thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của người nộp thuế là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
e) Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ (trừ lợi nhuận sau thuế của hoạt động xổ số điện toán)".
Tại Khoản 3 Điều 43 quy định:
"3. Các trường hợp được Chính phủ cho phép gia hạn thời gian nộp thuế thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các trường hợp thuộc diện kê khai thuế theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 11 Nghị định này bảo đảm thực hiện cho năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thi hành".
Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 9 Thông tư số 39/2014/TT-BTC: “Trường hợp tổ chức có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của tổ chức nhưng khai thuế GTGT riêng thì từng đơn vị trực thuộc, chi nhánh phải gửi Thông báo phát hành cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trường hợp tổ chức có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của tổ chức nhưng tổ chức thực hiện khai thuế giá trị gia tăng cho đơn vị trực thuộc, chi nhánh thì đơn vị trực thuộc, chi nhánh không phải Thông báo phát hành hóa đơn”.
Căn cứ các quy định nêu trên:
Về kê khai, tính nộp lệ phí môn bài, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của địa điểm kinh doanh:
Kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Đối với doanh nghiệp thương mại, dịch vụ:
- Cùng tỉnh với trụ sở chính: Kê khai và nộp thuế tại trụ sở chính.
(Nếu chi nhánh có con dấu riêng, tài khoản TGNH, trực tiếp bán hàng hóa, dich vụ, kê khai đầy đủ thuế GTGT đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng).
- Khác tỉnh với trụ sở chính: Kê khai và nộp thuế GTGT tại cơ quan thuế chi nhánh.
(Nếu chi nhánh phụ thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính. Chú ý: trường hợp này phải thông báo cho cơ quan thuế).
Đối với doanh nghiệp sản xuất
Trường hợp người nộp thuế kê khai theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất trực thuộc, không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu khác với tỉnh nơi đóng trụ sở chính thì:
- Nếu cơ sở sản xuất có hạch toán kế toán:
- Đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương đó.
- Khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải lập Hóa đơn GTGT làm căn cứ để kê khai, nộp thuế tại đó.
- Nếu cơ sở sản xuất không thực hiện hạch toán kế toán:
- Kê khai thuế tại trụ sở chính
- Nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
- Số thuế GTGT phải nộp cho địa phương cơ sở sản xuất được xác định theo tỷ lệ:
- 2% (đối với hàng hóa chịu thuế thuế suất GTGT 10%)
- 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra.
- Việc xác định doanh thu của sản phẩm sản xuất ra xác định trên cơ sở giá thành sản phẩm hoặc doanh thu sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
- Nếu tổng số thuế GTGT phải nộp cho địa phương xác định theo nguyên tắc trên mà lớn hơn số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính thì doanh nghiệp tự phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương như sau:
Số thuế GTGT phải nộp cho địa phương | = | Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính | X | Tỷ lệ % giữa doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm do cơ sở sản xuất ra hoặc sp cùng loại tại địa phương trên tổng doanh thu chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra của toàn doanh nghiệp
|
Chú ý: Nếu doanh nghiệp không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì không phải nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
Ví dụ 1: Công ty A có trụ sở tại Hà Nội, có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Sản phẩm sản xuất ra thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% và do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ kê khai tháng 09/2021, doanh thu chưa có thuế của sản phẩm sản xuất ra tại Quảng Ninh là 500tr và tại Hải Phòng là 600tr. Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính của công ty A là 25tr.
– Số thuế GTGT mà công ty A phải nộp cho Quảng Ninh là:
500 triệu x 2% = 10 triệu
– Số thuế GTGT mà công ty A phải nộp cho Hải Phòng là:
600 triệu * 2% = 12 triệu
– Số thuế GTGT mà công ty A phải nộp cho Hà Nội là:
25tr-10tr-12tr=3tr
Ví dụ 2: Công ty A có trụ sở tại Hà Nội, có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Sản phẩm sản xuất ra thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% và do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ kê khai tháng 09/2021, doanh thu chưa có thuế của sản phẩm sản xuất ra tại Quảng Ninh là 500tr và tại Hải Phòng là 600tr. Trong kỳ, công ty A không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính. và công ty A cũng không phải nộp thuế GTGT cho Quảng Ninh và Hải Phòng.
Kê khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
- Việc kê khai thuế TNCN kê khai như thuế GTGT.
- Trường hợp cá nhân ký hợp đồng lao động trực tiếp với Chi nhánh, đăng ký giảm trừ gia cảnh tại chi nhánh, có thỏa thuận nhờ công ty trả hộ tiền lương thì chi nhánh có trách nhiệm kê khai thuế TNCN cho cá nhân đó.
- Trường hợp công ty ký hợp đồng lao động với người lao động và cử người lao động đến làm việc tại chi nhánh, các cá nhân đăng ký giảm trừ tại công ty. Công ty thực hiện chi trả lương, thì kê khai thuế TNCN tại công ty.
Kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho chi nhánh.
- Chi nhánh hạch toán phụ thuộc.
- Kê khai và nộp thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính.
(Chi nhánh không phải kê khai thuế TNDN chỉ kê khai thuế môn bài, GTGT, TNCN tại cơ quan thuế chi nhánh đó)
- Cuối năm chi nhánh không phải làm BCTC mà lập BCKQ HĐKD để gửi về công ty mẹ (trụ sở chính) để công ty mẹ làm BCTC.
- Đối với doanh nghiệp sản xuất
- Những cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc khác tỉnh với trụ sở chính: Nộp hồ sơ khai thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính.
- Cuối năm chi nhánh không phải làm BCTC mà lập BCKQ HĐKD để gửi về công ty mẹ để công ty mẹ làm BCTC.
Trường hợp công ty A có thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều này) thì công ty A nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính; đồng thời công ty A phải nộp bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại Điểm a, b, c, d, đ, e Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP nêu trên). Khai lệ phí môn bài tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.
Về tính thuế, phân bổ số thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân,... phải nộp cho chi nhánh, địa điểm kinh doanh: Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn. Khi Thông tư của Bộ Tài chính ban hành, đề nghị công ty nghiên cứu để thực hiện, trong quá trình nghiên cứu nếu có vướng mắc xin liên hệ cơ quan thuế để được hỗ trợ.
- Về thông báo phát hành hóa đơn, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và mẫu hóa đơn sử dụng đối với địa điểm kinh doanh: Trường hợp công ty A có các chi nhánh, địa điểm kinh doanh sử dụng chung mẫu hóa đơn của công ty nhưng công ty thực hiện khai thuế GTGT cho chi nhánh, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, địa điểm kinh doanh không phải thông báo phát hành hóa đơn, không phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này.
Chúc bạn thành công.