Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Tùy tiện thu tiền chậm nộp thuế

Tùy tiện thu tiền chậm nộp thuế

Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương ngày 16-7 đã tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính bổ sung, hủy quyết định giải quyết khiếu nại của Cục Thuế tỉnh Bình Dương đối với một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trong vụ DN này kiện cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương về việc thu tiền chậm nộp tiền thuế. Vụ kiện được cho là đã tạo tiền lệ giúp nhiều DN mạnh dạn khiếu nại liên quan đến các khoản phạt hồi tố không hợp lý.

Hồi tố quá thời hạn 5 năm?

Kể lại vụ việc, vị đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của DN nêu trên cho biết năm 2011, DN có phát sinh tiền chuyển nhượng đất, đã xuất hóa đơn ngay trong năm nhưng do sai sót chưa kê khai nên tính nộp thuế thu nhập DN cho phần thu nhập này. Năm 2017, DN tự phát hiện khai sót nên đã tự động kê khai bổ sung và nộp đủ thuế thu nhập DN còn thiếu vào ngân sách nhà nước. Do hành vi kê khai sai này xảy ra tại thời điểm năm 2011, tức quá thời hạn 5 năm hồi tố tính đến thời điểm phát hiện vi phạm theo quy định tại điều 10 Luật Quản lý thuế năm 2006, nên DN không tính tiền phạt chậm nộp thuế.

Tới năm 2018, Cục Thuế tỉnh Bình Dương ban hành quyết định thanh tra thuế tại DN và quyết định truy thu tiền chậm nộp thuế đối với hành vi kê khai sai trên, căn cứ theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Theo đó, thời hạn thu tiền chậm nộp thuế là 10 năm trở về trước chứ không phải 5 năm.

"Hành vi vi phạm về kê khai thuế xảy ra trong năm 2011, trước thời điểm Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2013 có hiệu lực. Khoản 3 điều 54 Nghị định 129 ngày 16-10-2013 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế áp dụng quy định xử phạt, hoãn, miễn, giảm tiền phạt và các quy định khác về xử phạt vi phạm hành chính về thuế có lợi đối với trường hợp vi phạm hành chính về thuế xảy ra trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết. Còn theo khoản 2, điều 79, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các hành vi mà thời điểm thực hiện hành vi đó, pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý" - vị đại diện phân tích.

Như vậy, căn cứ các quy định trên, trường hợp DN có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, khi phát hiện đã quá thời hiệu xử phạt thì cơ quan thuế không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi đó. Tuy nhiên, DN vẫn bị thu hồi tiền thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Hướng dẫn luật lộn xộn

Thực tế, không chỉ riêng DN trên nhận quyết định vô lý liên quan đến hồi tố tiền chậm nộp thuế. Việc hướng dẫn thu tiền chậm nộp thuế thiếu đồng nhất của Tổng cục Thuế đã khiến các cục thuế địa phương lúng túng, thậm chí áp dụng không đúng quy định, gây thiệt thòi cho DN.

Chẳng hạn, Văn bản số 3277 do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn ký gửi Cục Thuế TP HCM hướng dẫn việc phạt chậm nộp thuế nêu rõ: Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn trong giai đoạn từ ngày 1-7-2007 đến trước 1-7-2013, đến nay đã quá thời hiệu xử phạt theo quy định tại khoản 2, điều 110, Luật Quản lý thuế năm 2006 thì người nộp thuế không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi nêu trên nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn vào ngân sách nhà nước và phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày 1-7-2013 tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Trong khi đó, cũng hướng dẫn về nội dung này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh Xuân Lý tại Văn bản số 351 lại cho rằng thanh tra thuế phát hiện người nộp thuế thực hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế trong giai đoạn từ ngày 1-7-2007 đến trước 1-7-2013, đến nay đã quá thời hiệu xử phạt thì cơ quan thuế không ra quyết định xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế, tức không xử phạt chậm nộp tiền thuế.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang, nhận xét việc hướng dẫn thi hành luật thuế hiện nay rất lộn xộn, không chỉ vụ việc ở Bình Dương mà ngay tại TP HCM cũng xảy ra tình trạng này. "Tôi chia sẻ với cơ quan thuế khi trách nhiệm của họ là phải thu thuế. Tuy nhiên, phải áp dụng pháp luật đúng, hợp lý, tránh trái nguyên tắc. Trong trường hợp pháp luật đã thay đổi sau thời điểm diễn ra vi phạm thì có 3 nguyên tắc thực hiện. Thứ nhất, nếu luật cũ xử nặng, luật mới xử nhẹ thì áp dụng luật mới cho người nộp thuế. Thứ hai, nếu luật cũ xử nhẹ, luật mới xử nặng thì áp dụng theo luật cũ. Thứ ba, nếu trước đây không có quy định xử phạt nhưng luật sau này có thì áp dụng luật cũ. Tức là phải hướng dẫn luật theo nguyên tắc dành tất cả lợi ích cho người nộp thuế. Nếu áp dụng theo nguyên tắc sử dụng luật mới, phủ nhận luật cũ là cơ quan thuế đã sai" - luật sư Trần Xoa góp ý.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch CLB Đại lý thuế TP HCM, cũng nhấn mạnh nguyên tắc hành vi vi phạm thời điểm nào thì áp dụng quy định xử phạt của thời điểm đó và không hồi tố. "Luật ra đời sau được quyền phủ định luật cũ nhưng không áp dụng luật mới cho vi phạm xảy ra khi luật này chưa có hiệu lực" - ông Nghĩa lưu ý. 

Mâu thuẫn truy thu thuế

Bên cạnh việc hướng dẫn thi hành luật thuế thiếu thống nhất, luật sư Trần Xoa cho rằng còn xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa DN và cơ quan thuế trong các quyết định truy thu thuế. Đó là việc DN nhà nước sau khi cổ phần hóa đã để lại khoản nợ cho "chủ mới", như trường hợp của Sabeco bị Cục Thuế TP HCM cưỡng chế thuế. "Hồ sơ bán cổ phần không quy định việc chủ mới phải kế thừa khoản nợ cũ, không quy định trách nhiệm giai đoạn trước thì không có lý do gì Kiểm toán Nhà nước đề xuất truy thu thuế của DN" - ông Xoa nói.

Theo: Phương Nhung - nld.com.vn

1
Bạn cần hỗ trợ?