Quy định về chi phí lãi vay được trừ và mức trần khống chế lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Thông thường chi phí lãi vay được trừ toàn bộ vào chi phí được trừ nếu thỏa mãn điều khoản về chi phí được trừ tại điều 6 thông tư 78/2014 (được sửa đổi tại điều 4 TT 96/2015). Tuy nhiên, đối vớidoanh nghiệp không có giao dịch liên kết thì chi phí lãi vay bị khống chế mức trần theo quy định theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP và được sửa đổi Nghị định 68/2020/NĐ-CP (Sửa đổi khoản 3, điều 8)
Chi phí lãi vay bị khống chế trong trường hợp nào ?
Doanh nghiệp thuộc diện bị khống chế mức lãi vay được tính vào chi phí được trừ khi thuộc 1 trong 3 trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Chỉ vay bên liên kết: Chắc chắn chi phí lãi vay bị khống chế
Trường hợp 2: Vay cả bên liên kết và bên độc lập: Tổng chi phí lãi vay phải trả cho cả bên liên kết và bên độc lập đều bị khống chế (Tham khảo thêm công văn 1990/CT-TTHT ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Cục thuế TP. Hà Nội)
Trường hợp 3: Chỉ vay bên độc lập nhưng lại phát sinh giao dịch liên kết (giao dịch mua bán) với bên liên kết: Trường hợp này chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể. Một số báo cáo kiểm toán đang trình bày đây là một rủi ro tiềm tàng về thuế, nghĩa là chấp nhận không loại chi phí lãi vay theo cách tính tại Nghị định 20 nhưng vẫn cảnh báo rủi ro về thuế liên quan đến chi phí này.
Cách tính MỨC KHỐNG CHẾ LÃI VAY :
Theo quy định tại khoản 3, điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP:
Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Có thể đưa ra công thức như sau (PVH): Chi phí lãi vay được trừ tối đa bằng 20%*(Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + Chi phí lãi vay + Chi phí khấu hao)
Điều 1 Nghị định 68/2020/NĐ-CP - Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP :
“3. Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
a) Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
Có thể đưa ra công thức sau (PVH): Chi phí lãi vay được trừ tối đa bằng 30*(Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + (Chi phí lãi vay - lãi tiền gửi - lãi cho vay) + Chi phí khấu hao)
Một số nội dung đáng lưu ý khác của Nghị định số 68/2020/NĐ-CP:
1 - Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
2 - Nghị định số 68 đã nâng trần khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% và phần chi phí lãi vay phải trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay khi xác định mức chi phí lãi vay tối đa được trừ khi xác định thu nhập tính thuế
3 - Các đối tượng không phải áp dụng quy định khống chế chi phí lãi vay này bao gồm: Tổ chức tín dụng theo Luật các tổ chức tín dụng; Tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật kinh doanh bảo hiểm; Các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); Vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; Các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); Các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước.
4 - Nghị định 68/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 24/6/2020 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp 2019. Đồng thời, doanh nghiệp được nộp tờ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN các năm 2017 và 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế phải nộp tương ứng đến trước ngày 01/01/2021