Chi Phí Hợp Lý Được Trừ Khi Tính Thuế TNCN
Chi Phí Hợp Lý Được Trừ là các khoản chi phí thực tế phát sinh, có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
Điều 8. THÔNG TƯ 111/2019 TT- BTC
b.2) Các khoản chi phí hợp lý được trừ
Chi phí hợp lý được trừ là các khoản chi phí thực tế phát sinh, có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
b.2.1) Chi phí tiền lương, tiền công, phụ cấp, trợ cấp, các khoản thù lao và các chi phí khác trả cho người lao động theo hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa ước lao động tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đối với chi phí tiền lương, tiền công không bao gồm khoản tiền lương, tiền công của cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc các thành viên đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhóm kinh doanh.
Đối với tiền trang phục trả cho người lao động không vượt quá 5.000.000 đồng/người/năm. Trường hợp chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động thì mức chi tối đa để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 5.000.000 đồng/người/năm. Đối với những ngành kinh doanh có tính chất đặc thù thì chi phí này được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
b.2.2) Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa thực tế sử dụng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ liên quan đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế trong kỳ được tính theo mức tiêu hao hợp lý, giá thực tế xuất kho do hộ gia đình, cá nhân kinh doanh tự xác định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trường hợp một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức tiêu hao thì thực hiện theo định mức của Nhà nước đã ban hành.
Mọi trường hợp tổn thất vật tư, tài sản, tiền vốn, hàng hóa đều không được tính giá trị tổn thất đó vào chi phí hợp lý trừ trường hợp tổn thất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường.
Đối với vật tư hàng hóa vừa dùng cho tiêu dùng cá nhân, vừa dùng cho kinh doanh thì chỉ được tính vào chi phí phần sử dụng vào kinh doanh.
b.2.3) Chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể như sau:
b.2.3.1) Tài sản cố định được trích khấu hao tính vào chi phí hợp lý phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, kinh doanh.
- Tài sản cố định phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của cá nhân kinh doanh.
- Tài sản cố định phải được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của cá nhân kinh doanh theo chế độ quản lý và hạch toán kế toán hiện hành.
Riêng trích khấu hao đối với tài sản cố định là ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống không được tính vào chi phí hợp lý.
b.2.3.2) Mức trích khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý theo quy định về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
b.2.3.3) Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng cho sản xuất, kinh doanh thì không được trích khấu hao.
Đối với tài sản cố định vừa sử dụng cho mục đích kinh doanh, vừa sử dụng cho mục đích khác thì chi phí khấu hao được tính vào chi phí hợp lý tương ứng mức độ sử dụng tài sản cho kinh doanh.
b.2.4) Chi phí trả lãi các khoản tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ liên quan trực tiếp đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế.
Mức lãi suất tiền vay được tính theo lãi suất thực tế căn cứ vào hợp đồng vay vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế. Trường hợp vay của các đối tượng không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế thì chi phí trả lãi tiền vay được căn cứ vào hợp đồng vay nhưng mức tối đa không quá 1,5 lần mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
Chi phí trả lãi tiền vay nêu trên không bao gồm trả lãi tiền vay để góp vốn thành lập cơ sở của cá nhân kinh doanh.
b.2.5) Chi phí quản lý, bao gồm:
b.2.5.1) Chi phí trả tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền mua văn phòng phẩm, tiền thuê kiểm toán, tiền thuê dịch vụ pháp lý, tiền thuê thiết kế, tiền mua bảo hiểm tài sản, tiền dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ mua ngoài khác.
b.2.5.2) Các khoản chi phí để có các tài sản không thuộc tài sản cố định như chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh.
b.2.5.3) Tiền thuê tài sản cố định hoạt động theo hợp đồng thuê. Trường hợp trả tiền thuê tài sản cố định một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo số năm sử dụng tài sản cố định.
b.2.5.4) Chi phí dịch vụ mua ngoài, thuê ngoài khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có chứng từ, hóa đơn theo chế độ quy định.
b.2.5.5) Chi về tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bao gồm: chi phí bảo quản, đóng gói, vận chuyển, bốc xếp, thuê kho bãi, bảo hành sản phẩm, hàng hóa.
b.2.6) Các khoản thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất phải nộp có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật (trừ thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ và các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác không được tính vào chi phí theo quy định của pháp luật liên quan), bao gồm:
b.2.6.1) Thuế môn bài, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước.
b.2.6.2) Thuế giá trị gia tăng mà pháp luật quy định được tính vào chi phí.
b.2.6.3) Các khoản phí, lệ phí mà cơ sở kinh doanh thực nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
b.2.7) Phần chi phụ cấp cho người lao động đi công tác (không bao gồm tiền đi lại và tiền ở) tối đa là hai lần mức quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.
Chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp cá nhân kinh doanh có khoán tiền đi lại và tiền ở cho người lao động thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại và tiền ở theo quy định của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.
b.2.8) Các khoản chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế có chứng từ, hóa đơn theo chế độ quy định.
b.3) Thu nhập chịu thuế khác
Thu nhập chịu thuế khác là các khoản thu nhập phát sinh trong quá trình kinh doanh gồm: tiền phạt vi phạm hợp đồng; tiền phạt do chậm thanh toán; tiền lãi ngân hàng trong quá trình thanh toán; tiền lãi do bán hàng trả chậm, trả góp; tiền lãi do bán tài sản cố định; tiền bán phế liệu, phế phẩm và thu nhập chịu thuế khác.
c) Đối với nhóm cá nhân kinh doanh
Trường hợp nhiều người cùng đứng tên trong một Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kể cả trường hợp cho thuê nhà, thuê mặt bằng có nhiều người cùng đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là nhóm cá nhân kinh doanh), sau khi đã xác định được thu nhập chịu thuế từ kinh doanh theo hướng dẫn tại điểm a và b, khoản 1, Điều này, thu nhập chịu thuế của mỗi cá nhân được phân chia theo một trong các cách sau đây:
c.1) Theo tỷ lệ vốn góp của từng cá nhân ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
c.2) Theo thỏa thuận giữa các cá nhân.
c.3) Theo số bình quân thu nhập đầu người trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không xác định tỷ lệ vốn góp hoặc không có thỏa thuận về phân chia thu nhập giữa các cá nhân.
Trên cơ sở thu nhập chịu thuế của mỗi cá nhân cùng tham gia kinh doanh đã xác định theo nguyên tắc phân chia nêu trên, từng cá nhân được tính các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều 9, Thông tư này để xác định thu nhập tính thuế và số thuế thu nhập cá nhân phải nộp riêng cho từng cá nhân.
2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm đ.2, khoản 2, Điều 2 Thông tư này là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.
3. Thu nhập chịu thuế đối với cá nhân vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế từ kinh doanh và thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Chúc bạn thành công.